Cách đọc giấy kiếm định GIA :
Date (Ngày):
Đây là ngày viên kim cương được GIA kiểm tra và đánh giá. Bạn nên lựa chọn những viên kim cương có ngày kiểm định trong vài năm trở lại tính đến thời điểm mua. Nếu ngày trên giấy kiểm định quá xa, bạn nên cân nhắc khi mua hoặc đem kim cương đi kiểm định lại bởi viên kim cương đó có thể được mua đi, bán lại v à bị trầy xước, sứt mẻ. Đây cũng chính là lý do mà ở Việt Nam nhiều khách hàng sẽ cần thêm giấy kiểm định trong nước như PNJ, SJC để đảm bảo viên Kim cương thực tế trùng khớp với thông số trên giấy kiểm định GIA.
Report Number (Mã kiểm định):
Mỗi viên kim cương sẽ có một mã kiểm định duy nhất được ghi trên cơ sở dữ liệu toàn cầu, hiểu đơn giản là mỗi viên kim cương có một số căn cước công dân giống như con người. Ngoài ra, mã số này còn được khắc lên mặt cạnh của viên kim cương để bạn có thể kiểm tra và xác định mã số trên viên kim cương trùng khớp với mã số trên giấy kiểm định GIA. Bạn có thể kiểm tra thông số đầy đủ của viên kim cương bằng cách nhập mã số này trên trang chủ của GIA.
Shape and Cutting Style (Hình dáng và Kiểu cắt):
Tham khảo các hình dáng của viên kim cương rồi so sánh.
Measurements (Kích thước):
Kích thước vật lý của kim cương được đo bằng milimét theo công thức sau: “đường kính tối thiểu – đường kính tối đa x độ sâu” đối với kim cương tròn và “chiều dài x chiều rộng x độ sâu” đối với các hình dáng khác.
Viên kim cương có kích thước càng lớn thì tất nhiên giá trị sẽ càng cao.
Color Grade (Cấp màu):
Cấp màu của kim cương được phân loại dựa trên thang đo từ D đến Z, trong đó D là nước màu tốt nhất và Z là nước màu thấp nhất. Kim cương có cấp độ màu càng gần D thì giá trị càng cao (D là viết tắt từ Diamond).
Clarity Grade (Độ tinh khiết):
Độ tinh khiết của kim cương được GIA đo từ FL (hoàn hảo) đến I3 (nhiều tì vết). Kim cương có độ tinh khiết càng gần FL thì giá trị càng cao.
Cut Grade (Chất lượng cắt):
Đây là thông số phụ thuộc vào yếu tố con người, dùng để đánh giá chất lượng cắt mài kim cương của thợ kim hoàn, được đánh giá từ Excellent (Xuất sắc) đến Poor (Kém).
Polish (Bề mặt):
Đánh giá độ bóng của bề mặt kim cương, được đánh giá từ Excellent (Xuất sắc) đến Poor (Kém).
Symmetry (Đối xứng):
Đánh giá độ đối xứng của kim cương, từ Excellent (Xuất sắc) đến Poor (Kém). Một viên kim cương Round Brilliant được cắt mài thủ công rất khó để đạt độ đối xứng hoàn hảo, đó là lý do thông số Measurements của một viên kim cương tròn có đường kính tối thiểu và đường kính tối đa.
Fluorescence (Độ huỳnh quang):
Xác định mức độ phát quang của kim cương khi tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ như mặt trời và đèn huỳnh quang. Theo các chuyên gia, độ huỳnh quang có ảnh hưởng nhỏ đến màu sắc của viên kim cương. Vì vậy, những viên kim cương có độ huỳnh quang mạnh thường có giá trị rẻ hơn so với những viên có cùng kích thước tương tự.
Inscription(s) (Khắc laser):
Mục này cho bạn biết liệu có bất kỳ văn bản, ký hiệu hay logo nào được khắc lên viên kim cương hay không.
Comments (Nhận xét):
Đây là phần các chuyên gia GIA ghi chú các đặc điểm hoặc nhận dạng bổ sung không được thể hiện ở các phần trên.
Proportions (Tỷ lệ):
Biểu đồ tỷ lệ là biểu đồ vẽ minh họa về tỷ lệ thực tế của viên kim cương. Tác động của tỷ lệ đến vẻ đẹp tổng thể của viên kim cương khá phức tạp và khó hiểu so với người mua kim cương nhưng nó rất quan trọng với người bán và các chuyên gia để xác định viên kim cương của bạn có lấp lánh và phản xạ ánh sáng tốt hay không
Clarity Characteristics (Đặc điểm độ trong suốt)
Key to Symbols (Chú giải)
Grading Scales (Thang đo đánh giá):
GIA dùng thang đo 4Cs để đánh giá chất lượng một viên kim cương
GIA Seal:
Dấu đảm bảo tính xác thực của GIA
QR Code:
Mã QR để quét và xem lại các thông tin chi tiết về kim cương.
Huỳnh quang kim cương :
Để hiểu rõ hơn Fluorescence là gì thì bạn nên biết Fluorescence có một cái tên khác là tính Huỳnh Quang – một số nơi thỉnh thoảng gọi lệch đi là tính Phát sáng, tính Phát quang, Phản quang… Một viên kim cương có Fluorescence là một viên kim cương phát ra ánh sáng 95% trường hợp là ánh sáng màu xanh dương khi được đặt trong môi trường có tia UV, khi nguồn sáng UV được tắt thì viên kim cương quay trở lại trạng thái bình thường. Nguyên nhân của việc này là do viên kim cương trong quá trình hình thành hàng triệu năm đã hấp thu thêm 1 số nguyên tố có đặc tính này như Nhôm (aluminium), Bo (Boron), Nitơ (Nitrogen) từ môi trường.
Dựa trên mức độ phát sáng, GIA (Gemological Institute of America) phân cấp Fluorescence trong thang đo từ None (hoàn toàn không có tính huỳnh quang) đến Faint, Medium, Strong và Very strong với mức độ tăng dần.
Các lỗi của kim cương :
- Râu cạnh (Bearding): Các đường vân nhỏ xuất hiện dọc theo cạnh viên kim cương.
- Lỗ hổng (Cavity): Các khe hở hoặc lỗ trống trên bề mặt kim cương.
- Vết sứt mẻ (Chip): Những vết mẻ nhỏ trên bề mặt viên đá.
- Vết mây mờ (Cloud): Các vết sương mờ bên trong viên kim cương.
- Tinh thể (Crystal): Tinh thể nhỏ của khoáng chất khác mắc kẹt bên trong kim cương.
- Vết nứt (Feather): Các vết nứt nhỏ bên trong viên đá.
- Đường vân (Graining): Các đường vân trong suốt hoặc mờ trong cấu trúc tinh thể.
- Vết lõm tự nhiên (Indented Natural): Vết lõm hoặc hốc nhỏ trên bề mặt viên kim cương.
- Vết hình kim (Needle): Các tinh thể mỏng, dài trông như những sợi kim nhỏ.
- Dấu chấm rất nhỏ (Pinpoint): Các đốm nhỏ li ti bên trong viên đá.
- Tỳ vết bên trong (Twinning Wisp): Cụm các lỗi như feather, needle, pinpoint.